Ca Dao

* 1957

  • "Tôi cũng bị an ninh kêu lên và họ điều tra tôi suốt một ngày. Họ hỏi tôi rằng: ‘Chị có biết lý do tại sao chúng tôi cho chị về không?’ Họ trả lời: ‘Chúng tôi đồng ý cho chị về không phải vì áp lực của Bộ ngoại giao đâu. Mà chúng tôi muốn cho chị về, để chị nhìn thấy đất nước chúng ta bây giờ rất là tiến bộ, rất là đẹp. Chị thấy thành phố Vũng Tàu bây giờ rất đẹp. Xa lộ từ Sài Gòn ra Vũng Tàu cũng rất tốt. Để chị nhìn thấy đất nước chúng ta tốt như thế nào để chị đừng có nói xấu nữa.’ Tôi nói với họ: ‘Con người khác với con chó ở chỗ là con chó chỉ cần cho nó ăn một ngày ba bữa. Khi nào anh muốn cho nó đi ra ngoài thì nó mới được đi. Khi nào anh không cho nó đi ra ngoài thì nó phải ngồi trong nhà. Con người khác với con chó ở chỗ là ngoài ba bữa cơm đó, con người muốn nói lên được suy nghĩ của mình. Muốn nói lên những gì mình thích hoặc những gì mình không thích. Thí dụ, tôi sống bên Pháp, tôi không thích ông tổng thống Pháp, nên ông ấy làm gì sai thì tôi cứ lên tiếng tôi nói thôi, một cách ôn hòa. Không có bị gì hết. Cái mà tôi muốn cho người Việt chỉ có vậy thôi. Tất nhiên, với việc kinh tế phát triển, điều đó các anh làm rất tốt, tôi công nhận. Nhưng bên cạnh đó, con người khác với con thú là họ có suy nghĩ và họ có quyền nói lên suy nghĩ của mình một cách ôn hòa. Đó là điều duy nhất tôi muốn cho người Việt Nam thôi.’ Họ [an ninh] hỏi rằng: ‘Tại sao chị cứ viết bài nói xấu chế độ?’ Tôi nói: ‘Không, tôi không nói xấu mà tôi nói sự thật. Nếu cách anh làm tốt thì tôi sẽ nói tốt. Các anh không làm tốt thì tôi không thể nói khác hơn được.’"

  • "Nhưng khi về [Việt Nam], thực sự tôi không có cảm giác thoải mái. Không hề có một cảm giác thoải mái. Ngoài niềm vui gặp gia đình, tôi không còn một niềm vui nào khác. Khi đi ngoài đường và gặp những đứa trẻ bán vé số, những người già ăn xin, tôi cảm thấy vô cùng đau lòng, và cảm thấy vô cùng bất lực. Mình không làm gì được cho họ hết. Tôi không có cảm giác là một người trở về để du lịch trên quê hương mình. Tôi không có cảm giác thoải mái đó, mà nó rất nặng nề. Khi đi trên đường và thấy những người nghèo như vậy, tôi thấy khoảng cách giàu nghèo rất lớn. Và tôi có cảm giác bất lực vì mình không làm gì được. Cho nên thực tình mà nói, tôi không có cảm giác thích thú khi trở về Việt Nam để đi du lịch hay là gì hết. Sau vài lần như vậy thì mỗi khi trở về, tôi đi xa hơn một chút xíu nữa. Thay vì những hoạt động xã hội thì tôi tham gia những hoạt động lên tiếng về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam."

  • "Tôi còn nhớ lúc đó thì tôi ói. Và một người nào đó hét lên: ‘Nó ói lên người tôi!’ Nhưng lúc đó thì mình không kiểm soát được. Khi tôi leo được lên boong tàu, tôi còn nhớ một chuyện nữa, là tôi lên trên đó để thoát khỏi cái mùi kinh khủng đó. Đó là cái mùi chua, mùi... Một cái mùi không thể nào diễn tả được! Ở trên kia, có một người ngồi và ống quần của họ có tất cả những mùi chua, mùi loét, mùi hôi thối đó. Nó cứ phất phơ trước mũi tôi. Mà tôi không đủ sức để quẹt nó đi. Tôi cứ vừa nằm đó, vừa thở không khí trong lành của biển, vừa phải thở cái mùi mà mình vừa cố thoát đi. Cũng may là có thuyền đến đúng lúc, chứ nếu không thì trên ghe của chúng tôi đã có người chết. Nhất là trẻ em. Trẻ em thì đã xỉu hết rồi. Khi đến gần, họ quăng một cái lưới xuống. Trẻ em và phụ nữ, hoặc những người không còn có thể cử động được, ngồi trong lưới và được kéo lên. Còn với những người đàn ông còn sức thì họ thả một cái thang dây xuống để leo lên. Khi chúng tôi lên [thuyền] thì họ cho thức ăn, nước uống. Và họ lập một danh sách. Đến lúc đó, tôi cũng như những người khác mới biết là trên thuyền có 303 người. Và một con chó. Một cái thuyền nhỏ như vậy, có mười mấy thước thôi mà chứa 303 người. Có lẽ nếu biết trước, chắc không ai sẽ dám đi."

  • "Mỗi chiều thứ sáu ngồi lại [trường], chúng tôi phải nói chúng tôi đã nghĩ gì trong tuần đó. Nghĩ gì về chế độ. Nghĩ gì về những thứ như tư tưởng chính trị. Và dĩ nhiên mình phải nói láo. Họ bắt mình phải nói láo. Họ dạy mình cách nói láo. Bởi vì những người như chúng tôi không thể nói thật được. Nói thật là sẽ bị họ gây áp lực dữ lắm. Có nghĩa mình phải nói rằng: "Chế độ cộng sản là tốt. Rồi Hồ Chí Minh là một biểu tượng, là một người chúng ta phải mang ơn,” v.v. Nói chung là về quan điểm chính trị. Bằng cách đó, họ dạy chúng tôi phải nói láo. Bắt buộc phải nói láo. Tôi đã nói thật một lần, và vì lần nói thật đó mà trong bốn năm đại học, tôi biết rằng mình sẽ không làm được những gì mình muốn sau khi ra trường. Mình không có quyền ra trường nếu mình chưa vào Đoàn. Với những người có tư tưởng như tôi thì làm sao được kết nạp vào Đoàn. Cho nên kể từ đó, suy nghĩ rằng mình phải thoát khỏi chế độ này dần dần manh mống trong tôi. Mẹ tôi có lần nói rằng mẹ còn giấu được một ít tiền, chỉ đủ cho một người đi. Và mẹ tôi hỏi các con là: ‘Đứa nào muốn đi thì mẹ sẽ cho tiền để đi. Nhưng mà chỉ đủ cho một người thôi’. Tôi là người nói ‘Con đi. Con đi.’ Lúc đó tôi nghĩ rằng: ‘Hoặc là mình chết trên biển Đông, hoặc là mình có tự do’. Chứ nếu như thế này thì mình không thể nào sống được."

  • "Tôi còn nhớ có một năm tôi về ăn Tết. Khi về đến nhà, tôi không còn nhận ra cái nhà của mình nữa. Vì nó trống trơn. Hồi trước nhà tôi buôn bán, nên nhà dài lắm, dài tới mười mấy thước lận, và chất đồ buôn bán rất là đầy. Nhưng khi về thì tôi tưởng mình đi lạc. Tôi không nhận ra cái nhà của mình nữa. Nó trống hoàn toàn. Lúc đó, mẹ tôi từ phía sau chạy ra mở cửa và khóc: ‘Con ơi, họ lấy hết rồi’. Khi đi vào, mẹ tôi mới kể là có những người bộ đội cầm súng vào trong nhà và ngủ ở đó ba ngày ba đêm. Và họ đem xe hàng tới chở hết tất cả những hàng hóa buôn bán trong nhà đi. Chở đi đâu thì không biết. Sau này người ta nói là chở ra miền Bắc. Khi mẹ tôi xách giỏ đi chợ thì họ lật từng tấm lá chuối lên để xem mình có giấu cái gì hay không. Họ cạy gạch trong nhà lên để xem mình có giấu vàng hay không. Và tôi còn nhớ tôi có nguyên một tủ sách, một bộ sưu tập sách Tuổi Hoa. Tôi rất là mê sách Tuổi Hoa. Tôi có sách Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, và cả một cuốn nhật ký. Họ lấy hết. Họ lấy hết tất cả những cuốn sách đó. Và sau này tôi được một thầy giáo, là thầy giáo đã từng dạy tôi ở trung học và bây giờ ở bên Mỹ, gọi tôi cách đây khoảng một năm và thầy nói rằng: ‘Thầy thấy sách của em bán ở ngoài chợ.’"

  • Celé nahrávky
  • 1

    Praha, 25.06.2023

    (audio)
    délka: 01:17:35
    nahrávka pořízena v rámci projektu Memory and Conscience of Nations
  • 2

    Praha, 26.06.2023

    (audio)
    délka: 01:23:48
    nahrávka pořízena v rámci projektu Memory and Conscience of Nations
Celé nahrávky jsou k dispozici pouze pro přihlášené uživatele.

Tôi là một người tị nạn và là một nhà hoạt động tranh đấu cho quyền lao động và tự do biểu đạt ở Việt Nam. Chắc chắn ngày mà Việt Nam sẽ có tự do, dân chủ, nhân quyền sẽ đến!

Ca Dao, 2023
Ca Dao, 2023
zdroj: Post Bellum

Ca Dao sinh ra tại thành phố biển Vũng Tàu, nơi gia đình cô điều hành công việc buôn bán để nuôi sáu anh chị em ăn học. Sau khi nếm trải sự kiểm soát gắt gao và khó nhọc dưới chế độ cộng sản mới sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, bao gồm cả việc gia đình mình bị tịch thu tài sản, cô đã đi vượt biên và được một tàu Hà Lan cứu. Ca Dao đến Hà Lan vào năm 1981, bắt đầu học tiếng, hòa nhập, học đại học và sau đó tham gia vào việc lên tiếng vì nhân quyền cho Việt Nam. Kể từ khi chuyển đến Pháp vào năm 2000, cô hoạt động bảo vệ quyền của người lao động dưới tên „Ca Dao“ và quyền tự do ngôn luận dưới tên „Tường An“. Vào năm 2006, cô tham gia vào sáng kiến của Ủy ban Bảo vệ Người lao động (Committee for Worker Protection initiative) để giúp đỡ người lao động Việt Nam tại Malaysia, và sau đó chuyển hướng hoạt động của mình sang việc trao quyền cho những người lao động này để họ có thể tự thành lập công đoàn. Nỗ lực của Ca Dao trong việc đưa sự thật về nhân quyền ở Việt Nam ra ánh sáng thông qua các kênh truyền thông Việt ngữ lớn tại Hoa Kỳ đã khiến chính phủ để ý vào năm 2011, dẫn đến việc họ ban hành lệnh cấm cô nhập cảnh vào Việt Nam. Mặc dù biết rằng cô sẽ không sống đủ lâu để chứng kiến ngày quê hương có được dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận, Ca Dao vẫn tiếp tục hoạt động không biết mệt mỏi mỗi ngày để đưa ngày đó đến gần hơn.